Home / Tin Tức Tổng Hợp / CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI: Bước đầu giải tỏa băn khoăn

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI: Bước đầu giải tỏa băn khoăn

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI: Bước đầu giải tỏa băn khoăn

Đánh Giá Bài Này

Chiều 19.1, Bộ GD&ÐT đã chính thức công bố Dự thảo chương trình môn học cùng các hoạt động giáo dục thuộc chương trình phổ thông mới – từ cấp tiểu học đến THPT, đồng thời cho biết sẽ dành 2 tháng để lấy ý kiến dư luận. Những ngày qua, cán bộ, giáo viên ở Bình Ðịnh đón nhận thông tin này với nhiều tâm trạng khác nhau.

Khảo sát sơ bộ của chúng tôi về vấn đề này với đối tượng là cán bộ ngành GD&ĐT, giáo viên và phụ huynh kết quả chung là “rất lo lắng”!

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI Bước đầu giải tỏa băn khoăn
Các trường phổ thông đã triển khai mô hình Trường học mới được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng chương trình phổ thông mới.

Bối rối, lo lng

Đây là tâm trạng chung của phần lớn cán bộ, giáo viên – đặc biệt là những người đã lớn tuổi ở các trường và những người đã quen với cách quản lý và giảng dạy quen thuộc. Ngay cả một số ít giáo viên trẻ – những người có đôi chút háo hức – vẫn thấy lo lắng bởi độ mở trong 20 chương trình môn học và hoạt động giáo dục mới, đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng yêu cầu chủ động, sáng tạo để phát huy cao nhất năng lực của học sinh thay vì chỉ truyền thụ kiến thức.

Chẳng hạn với môn Ngữ văn, chương trình mới cho phép giáo viên có thể chọn tác phẩm mình cho là hay, tốt thì đưa vào chương trình, không nhất thiết chỉ học tác phẩm trong sách giáo khoa. Nhưng đến khi thi, người ra đề cũng có thể sẽ chọn văn bản không có trong sách giáo khoa để đánh giá được khả năng vận dụng trong việc đọc hiểu của học sinh. Phần lớn các môn học, theo chương trình mới, hoạt động giáo dục đòi hỏi giáo viên phải đổi mới và tập huấn bài bản mới có thể đáp ứng được.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc nhiều giáo viên lo lắng là điều dễ hiểu và điều cần làm hiện nay là làm công tác tư tưởng với những người còn băn khoăn, ngập ngừng với đổi mới, để tạo chuyển biến trong nhận thức. Thầy Hồ Gia Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Ân Đức (huyện Hoài Ân), trao đổi: “Tư tưởng thông suốt là điều rất quan trọng. Khi tư tưởng thông suốt rồi thì chỉ còn 2 việc nữa là giúp các thầy cô nắm rõ xu hướng giáo dục hiện nay và cách tổ chức phương pháp dạy học tích cực như thế nào cho hiệu quả”.

Có khó thực hiện không?

Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của nhiều cán bộ, giáo viên. Theo Dự thảo chương trình phổ thông mới, cả ba cấp học sẽ có tổng cộng 20 chương trình học bắt buộc và tự chọn. Trong đó, cấp THCS sẽ có hai môn học mới mang tính tích hợp là Lịch sử – Địa lý và Khoa học tự nhiên (KHTN). Các môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 bao gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới – đó là khẳng định của Bộ GD&ĐT do những năm qua đã có sự chuẩn bị mang tính bước đệm.

Liên quan đến băn khoăn của nhiều giáo viên đối với những môn học mới ở bậc THCS là môn KHTN, Lịch sử và Địa lý, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới cho biết, giáo viên sẽ được tập huấn, đồng thời cũng sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học.

“Từ nay đến lúc triển khai chương trình THCS còn 3 – 4 năm nữa nên hoàn toàn đủ sức để chuẩn bị cho đội ngũ này”, GS Thuyết trấn an.

Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh

Đầu tháng 1.2018, ông Trần Văn Năng – Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cùng 9 lãnh đạo phòng, hiệu trưởng trường THCS ra Đà Nẵng dự tập huấn về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh THCS. Đây là một trong những bước chuẩn bị để tiến tới tiếp cận thuận lợi chương trình phổ thông mới.

“Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, trong thời gian chưa triển khai chương trình mới trên phạm vi toàn quốc, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được thuận lợi. Trên tinh thần nội dung đó và những gì được tập huấn, Sở đã chỉ đạo các trường giao cho các tổ chuyên môn rà soát lại chương trình, nội dung kiến thức; xem nội dung, kiến thức khó, dài thì điều chỉnh phù hợp, hoặc kiến thức của một hai môn học có liên quan nhau thì trong tổ chuyên môn thống nhất xây dựng theo chủ đề để giới thiệu học sinh. Những việc như vậy lâu nay đa số các trường đã thực hiện, chỉ có điều từ học kỳ này, phải được tăng cường, đẩy mạnh nhiều hơn nữa để đón đầu chương trình mới”, ông Năng trao đổi.

NGỌC TÚ

Nguồn

Trả lời