Một điểm đến không thể bỏ qua khi nhắc đến địa danh Quy Nhơn – Bình Định
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) là một danh nhân văn hoá, một nhà quân sự kiệt xuất, một vị anh hùng của dân tộc, đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo quân dân Đại Việt ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông vào thế kỷ XIII, dưới thời Vương Triều nhà Trần.
Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự, mà còn là một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, một trong những áng văn bất hủ được xem là “Thiên cổ hùng văn” mà ông để lại cho đời sau đó là “Hịch tướng sĩ”. Về phép trị nước phải kể đến cuốn “Binh thư yếu lược”, đây là một cuốn sách lý thuyết quân sự đầu tiên.
Với tài năng chính trị, quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với vua, với nước, Trần Hưng Đạo đã cùng với triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần lên hàng triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến nước ta và để lại những bài học lịch sử có giá trị về đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ngài mất vào mùa thu tháng 8 năm Canh Tý-1300.
Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài mãi mãi còn với non sông đất nước, là tấm gương sáng để cho các thế hệ noi theo. Trong dân gian ta vẫn thường truyền miệng rằng: “Dù ai buôn xa bán xa/ Hai mươi tháng tám giỗ cha thì về”. “Cha” trong câu ca dao trên chính là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Với đức độ và công lao to lớn, người có vị trí cao trong đạo Thánh ở Việt Nam, được nhân dân suy tôn là “Đức Thánh” và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong dân gian.
Tại thành phố Quy Nhơn, tượng đài Trần Hưng Đạo được xây dựng trên đồi cao khoảng 50m so với mặt nước biển, ba mặt hướng ra biển, mặt phía Đông nối liền với dãy Phương Mai. Đây là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, được khởi công xây dựng ngày 16/7/1971 và hoàn thành một năm sau đó với sự quyên góp của Hội Thánh Trần Bình Định. Tượng được đúc bằng xi măng cốt thép, gồm 2 phần chính: bệ và tượng.
Bệ tượng cao 3,9 m được tạo thành 2 cấp, 4 mặt xung quanh được ốp bằng đá cuội, giữa được tạc 4 bức phù điêu mô tả những hình ảnh, sự kiện tiêu biểu đã được ghi vào sử sách: Mặt trước mô tả hình ảnh Trần Hưng Đạo đang trong tư thế đứng trước mũi thuyền rồng thống lĩnh ba quân trong trận chiến Bạch Đằng giang lịch sử; phù điêu bên trái là hình ảnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dâng gươm cho vua Trần với câu nói bất hủ: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”; phù điêu bên phải mô tả hình ảnh tướng Trần Bình Trọng hiên ngang trước mặt kẻ thù: “Ta thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc”; phù điêu ở mặt sau là bức tranh diễn tả hình ảnh các bô lão trong hội nghị Diên Hồng đang giơ cánh tay với quyết tâm “Quyết đánh”. Tất cả như làm sống dậy hào khí chống ngoại xâm của cha ông thưở trước.
Tượng được tạo dáng trong tư thế dũng mãnh, khuôn mặt quyết đoán của một vị Quốc công Tiết chế đang chỉ huy ba quân tiêu diệt bọn xâm lược phương Bắc, mặt hướng về phía Bắc, mình mặc chiến bào, bên ngoài khoác áo choàng, đầu đội mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải gát trên bệ (mô phỏng mũi thuyền), tay phải chỉ ra phía trước, tay trái nắm chuôi kiếm đeo ở thắt lưng trong tư thế chuẩn bị xung trận. Các chi tiết chạm khắc tinh tế, sắc nét, nhất là khuôn mặt toát lên thần sắc của một vị tướng đầy quyền lực và quyết đoán.
Phía trước tượng đài là hương áng, được đúc bằng xi măng, ốp đá mài màu hồng, hai bên được tạo vắt cong lên. Trước hương áng là một đỉnh đúc bằng xi măng, trên thân có trang trí hình rồng, mây.
Tuy nhiên, vì tượng đài là một công trình ngoài trời, trải qua thời gian và chiến tranh cùng với ảnh hưởng xâm thực của nước biển nên di tích hiện cũng đã bị hủy hoại, xuống cấp. Hiện vật trong khu di tích hiện nay còn có mỏ neo lớn bằng gang cao 2,1m được phát hiện khi san ủi mặt bằng để xây tượng; khẩu súng thần công và dấu vết bờ thành bằng đá ong (có lẽ là bờ thành một căn cứ tiền tiêu thời Tây Sơn). Hiện tại bờ thành này vẫn còn dấu vết phía trước ghềnh nhưng khẩu súng không còn mà chỉ còn lại bệ để đặt súng (được xây khi phát hiện súng).
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với tên tuổi Trần Hưng Đạo, di tích tượng đài Trần Hưng Đạo là một trong những công trình kiến trúc mang ý nghĩa tôn vinh một nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã được Thánh hoá trong tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam. Di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 10/9/2007. Hằng năm, cũng như các địa phương khác trong cả nước, ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Đức Thánh Trần. Trong ngày đại lễ này, hầu hết các nghi lễ được tổ chức tại Đền thờ Đức Thánh Trần (hiện đang nằm trên đường Trần Hưng Đạo), nhưng hội Thánh thường tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài (sáng ngày 19/8 AL) rồi rước về Đền thờ. Ngoài ra, tại Đền thờ, những ngày giỗ trong năm và các ngày 1,14,15,30 AL hàng tháng đều mở cửa đón đạo hữu và nhân dân từ các nơi về lễ đền, dâng hương.
Châu Hồng Tâm-Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao