Home / Văn Hóa Du Lịch Quy Nhơn / VỀ QUY NHƠN, GHÉ PHƯƠNG MAI, CHIÊM NGHIỆM LŨY CỔ

VỀ QUY NHƠN, GHÉ PHƯƠNG MAI, CHIÊM NGHIỆM LŨY CỔ

Bán đảo Phương Mai là một hệ thống núi đá trùng điệp chạy dài 15km, bao lấy toàn bộ mặt Đông của đầm Thị Nại và thành phố Quy Nhơn. Trong đó có đỉnh núi cao 193m so với mặt nước biển thuộc địa phận 3 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải và Hải Minh (phường Hải Cảng) của thành phố Quy Nhơn. Nếu có dịp ghé thăm phố biển Quy Nhơn, hãy trải nghiệm bán đảo Phương Mai, với bãi Nhạn – núi Tam Tòa; tượng Trần Hưng Đạo và di tích Lũy cổ Phương Mai, để cùng chiêm nghiệm cách thức ông cha ta đã xây dựng, bố trí thành lũy chống ngoại xâm. 

Lũy cổ Phương Mai nguyên là một hệ thống phòng thủ ven biển được xây dựng liên hoàn dưới triều Tây Sơn, sau đó là triều Nguyễn, gồm pháo đài kiên cố, có kỳ đài (cờ), đồn trú và kho dự trữ lương thực. Theo ghi chép, Tấn Thị Nại (cửa biển) được xây dựng thành pháo đài rất kiên cố với chu vi 108m, cao 3m, chung quanh bố trí 12 lỗ súng (Thần Công). Đáng tiếc là đã bị phá bỏ, hiện nay là trạm Hải Đăng. Tại đây chỉ còn duy nhất cổng của pháo đài còn khá nguyên vẹn được trùng tu bằng gạch và vôi vữa kiên cố vào năm Tự Đức thứ 9 (1854). Cổng kiểu cổ lầu, xây bằng đá ong, trên có mái uốn cong nhưng đã bị phá hoặc đã đổ sập, cửa tạo theo kiểu vòm cuốn, loại kiến trúc điển hình thời Nguyễn, một bên còn một đoạn chân bờ thành xây ghép bằng đá tự nhiên. Có thể xem cổng tam quan này là dấu tích duy nhất còn lại của hệ thống pháo đài Hổ Ki, pháo đài bố phòng cửa biển Quy Nhơn. Ngoài pháo đài Hổ Ki, phía sau lưng pháo đài, trên đỉnh núi Phương Mai tại gò Vũng Tàu và Gò Kinh Để còn có một hệ thống lũy thành được xây dựng. Phòng tuyến Gò Vũng Tàu bảo vệ mặt phía Tây của pháo đài Hổ Ki, phòng tuyến Gò Kinh Để có nhiệm vụ bảo vệ đối phương tấn công pháo đài từ phía sau lưng, đồng thời ngăn không cho quân tiến từ sườn đông vào phía bên trong cửa Thị Nại để đánh chiếm pháo đài. Cả hai tuyến phòng thủ này đều còn khá nguyên vẹn.

Ngoài 2 đoạn bờ lũy: Gò Vũng Tàu (Hải Minh trong) dài khoảng 500m và Kinh Để (Hải Minh ngoài) dài 100m, trên đỉnh dãy Phương Mai còn nhiều đoạn bờ lũy nối dài đến địa phận thôn Hải Giang xã Nhơn Hải.

Theo Tiến sĩ Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định): Lũy cổ được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 7, đến năm Tự Đức thứ 18 thì sửa lại. Việc bố trí phòng thủ tại hai gò Kinh Để và Vũng Tàu (đều ở vị trí cao, đứng trên gò có thể quan sát được phía Đông (cửa biển), phía Tây (kinh thành), chứng tỏ người xưa đánh giá cao tầm quan trọng của bán đảo Phương Mai trong lĩnh vực quân sự. Đến nay, Lũy đá có niên đại trên 200 năm tuổi. Do dấu tích thời gian, hiện nhiều đoạn tường lũy bị hư hại, một số đoạn bị bụi rậm bao phủ, nhưng những đoạn nằm trên đỉnh núi gần như còn nguyên vẹn.

dl1dl2

Một số đoạn Lũy cổ gần như còn nguyên vẹn

Có thể nói, một trong những giá trị lớn nhất của Lũy cổ này chính là cách hình thành tuyến bố phòng. Qua xây dựng và cách bố trí các phòng tuyến cho ta biết thêm về nghệ thuật quân sự của ông cha ta trong lịch sử. Ngoài ra, nghệ thuật sắp xếp đá tự nhiên cũng là một giá trị quan trọng khi nói về Lũy cổ Phương Mai. Kỹ thuật hoàn toàn lắp ghép không có hồ vữa nhưng vẫn liên kết với nhau rất vững chắc, trải qua hơn 200 năm vẫn tồn tại đến ngày nay là một minh chứng xác đáng nhất, đã thể hiện bàn tay tài ba của những người thợ Bình Định. Có lẽ họ học được từ kỹ thuật xây tháp của người Chăm. Quả thật, đây là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo, được xây dựng một cách khoa học, thể hiện nghệ thuật xây dựng thành, lũy của người xưa là đặt ở nơi hiểm yếu vừa có thể canh phòng, quan sát bao quát, lại vừa có thể trở thành chốt chặn quan trọng đối với đối phương. Vì vậy, đứng ở góc độ nghệ thuật kiến trúc quân sự mà nói thì Lũy cổ này là một công trình tiêu biểu và có thể làm căn cứ để nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều điều bí ẩn trong việc xây dựng thành lũy, đền tháp của cha ông.

Lũy Phương Mai còn chứa đựng một tiềm năng du lịch lớn, kết hợp với phong cảnh biển trời, núi đầm cùng khu di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia: Bãi Nhạn – núi Tam Tòa, địa danh lịch sử ghi lại chiến tích quan trọng dưới triều Tây Sơn và di tích xếp hạng cấp Tỉnh – tượng Trần Hưng Đạo. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ là một địa chỉ tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Châu Hồng Tâm- Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao

  

Nguồn

Trả lời